1. Đái tháo đường type 2 là gì?
Bệnh đái tháo đường type 2 là một rối loạn chuyển hóa mạn tính đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu, kèm theo những bất thường về chuyển hoá carbonhydrat, lipid và protein. Bên cạnh đó, bệnh luôn gắn liền với xu hướng phát triển các bệnh lý về thận, đáy mắt, thần kinh và các bệnh tim mạch do hậu quả của xơ vữa động mạch.
2. Nguyên nhân đái tháo đường type 2
Đặc điểm quan trọng nhất trong sinh lý bệnh của đái tháo đường type 2 là có sự tương tác giữa yếu tố gen và yếu tố môi trường.
- Yếu tố di truyền.
- Yếu tố môi trường: là nhóm các yếu tố có thể can thiệp để làm giảm tỷ lệ mắc bệnh. Các yếu tố đó là:
– Sự thay đổi lối sống: ít hoạt động thể lực; chế độ ăn uống nhiều tinh bột, ít chất xơ gây dư thừa năng lượng.
– Chất lượng thực phẩm: ăn nhiều các loại carbohydrat hấp thu nhanh (đường tinh chất, bánh ngọt, kẹo…), chất béo bão hòa…
– Các stress về tâm lý.
- Tuổi thọ ngày càng tăng, nguy cơ mắc bệnh càng cao: Đây là yếu tố không thể can thiệp được.
- Khiếm khuyết chức năng tế bào beta.
- Bệnh lý của tuỵ ngoại tiết.
- Do các bệnh nội tiết khác.
- Nguyên nhân do thuốc hoặc hoá chất khác.
- Nguyên nhân do nhiễm trùng
- Các thể ít gặp, các bệnh nhiễm sắc thể…
Đối tượng có yếu tố nguy cơ dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2
- Tuổi trên 45.
- Béo phì (BMI trên 23).
- Huyết áp ≥ 140/85 mmHg.
- Trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh, chị em ruột, con ruột bị mắc bệnh đái tháo đường type 2).
- Tiền sử được chẩn đoán mắc hội chứng chuyển hóa, tiền đái tháo đường.
- Phụ nữ có tiền sử thai sản đặc biệt (đái tháo đường thai kỳ, sinh con to-nặng trên 4kg, sảy thai tự nhiên nhiều lần, thai chết lưu…)
- Người có rối loạn lipid máu; đặc biệt khi HDL-c dưới 0,9 mmol/l và Triglyceride trên 2,2 mmol/l.
3. Biến chứng bệnh tiểu đường
Đái tháo đường type 2 hay còn gọi tiểu đường tuýp 2 là một bệnh tiến triển tịnh tiến. Những biến chứng tiểu đường luôn phát triển theo thời gian mắc bệnh. Một số biến chứng mà người bệnh đái tháo đường type 2 có thể gặp phải:
Biến chứng cấp tính
- Hôn mê nhiễm toan ceton
- Hạ glucose máu
- Hôn mê tăng glucose máu không nhiễm toan ceton
- Hôn mê nhiễm toan lactic
- Các bệnh nhiễm trùng cấp tính.
Biến chứng mạn tính
- Bệnh mạch máu lớn: Xơ vữa mạch vành tim gây nhồi máu cơ tim, hội chứng mạch vành cấp, xơ vữa mạch não gây đột quỵ, xơ vữa động mạch ngoại vi gây tắc mạch.
- Bệnh mạch máu nhỏ: Bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh thận đái tháo đường, bệnh thần kinh đái tháo đường (Bệnh lý thần kinh cảm giác – vận động, thần kinh tự động).
- Phối hợp bệnh lý thần kinh và mạch máu: Loét bàn chân đái tháo đường.
4. Điều trị bệnh đái tháo đường type 2
Hướng dẫn điều trị này chỉ áp dụng cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 ở giai đoạn không có bệnh cấp tính – ví dụ nhồi máu cơ tim, nhiễm trùng cấp, hoặc phẫu thuật, hoặc ung thư… Hướng dẫn này không áp dụng cho người dưới 18 tuổi, mắc bệnh đái tháo đường type 1.
Mục đích điều trị bệnh tiểu đường type 2
- Duy trì lượng glucose máu khi đói, glucose máu sau ăn gần như mức độ sinh lý, đạt được mức HbA1c lý tưởng, nhằm giảm các biến chứng có liên quan, giảm tỷ lệ tử vong do đái tháo đường.
- Giảm cân nặng (với người béo) hoặc không tăng cân (với người không béo).
Nguyên tắc điều trị đái tháo đường type 2
- Thuốc phải kết hợp với chế độ ăn và luyện tập. Đây là bộ ba điều trị bệnh đái tháo đường.
- Phải phối hợp điều trị hạ glucose máu, điều chỉnh các rối loạn lipid, duy trì số đo huyết áp hợp lý, phòng, chống các rối loạn đông máu…
Bên cạnh việc tuân thủ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sỹ, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thêm các thảo dược giúp hỗ trợ điều trị, giảm nguy cơ biến chứng như: Khổ qua (mướp đắng), dây thìa canh, tảo spirulina…